“Ngôi chùa nằm bên di tích Đá Ba Chồng”
Độc đáo kiến trúc Chùa Thiên Chơn
Chùa có vị trí nằm cạnh quốc lộ 20 trong quần thể Di tích Đá Ba Chồng được Nhà nước xếp hạng Di tích Thắng cảnh cấp Quốc gia. Đứng trước cổng Chùa nhìn vào du khách sẽ thấy được pho tượng Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni uy nghiêm giữa nền trời xanh, với toàn thể tôn dung màu trắng ngà, tịnh tọa trên ngọn núi voi hùng vĩ nằm phía sau Chùa – do nhân dân và đồng bào Phật tử huyện Định Quán tôn tạo trên núi đá có chiều cao 28m.
Chùa Thiên Chơn tọa lạc trong khuôn viên có tổng diện tích 4.000m². Diện tích xây dựng 416m² (16 x 26), Chùa được xây dựng theo hình chữ nhị (=) gồm Chánh điện và hậu Tổ, kết cấu bằng bê tông cốt thép với hai tầng mái chồng diêm. Kiến trúc 8 mái xòe rộng với 8 đầu đao uốn cong mềm mại vươn dài ra như muốn ôm lấy, che chở những người con lưu lạc trở về tắm gội trong hào quang chư Phật.
Trên nóc Chùa chính giữa là cặp đôi rồng phụng quay đầu chầu bánh xe pháp luân, ở mỗi đầu đao đều có gắn hình rồng uốn lượn nhẹ nhàng thanh thoát. Hai bên bậc thềm tam cấp dẫn vào chánh điện có hai con rồng lớn, đầu hướng cổng – biểu tượng cho sự cung kính hộ trì của chư thiên thần, long thiên hộ pháp. Trên vách tiền đường được trang trí phù điêu hình rồng phụng và nhiều hoa văn được cẩn bằng mảnh sành sứ với nhiều màu sắc rất sinh động.
Giữa Chánh điện, tầng trên là tượng Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, tầng dưới thờ Tam Thế Phật, tả hữu thờ Phật A Di Đà và Phật Dược Sư. Nổi bật ở trung tâm nội điện có tứ trụ được trang trí hình rồng đắp nổi và cẩn bằng sành sứ nhiều màu sắc. Phía trên là bao lam được khắc chạm hình bát tiên, tứ linh, hoa lá, triền chi được nhủ vàng tạo cho Chánh Điện thêm phần trang nghiêm rực rỡ.
Sau chánh điện là nhà Tổ, trai đường, nhà khách, nhà Ni…, tất cả được xây dựng liên hoàn khép kín rất thông thoáng và yên tịnh.
Chùa Thiên Chơn được xây dựng từ năm 1952, có sự chứng minh khai sơn của Hòa Thượng thượng Giác hạ Quang. Ông Hà Văn Thôn và bà Nguyễn Thị Nhung (Chủ nhà hàng ở Định Quán) phát tâm kiến tạo cảnh Chùa nằm trong tổng diện tích khuôn viên là 40.000m² để làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng cho dân chúng theo đạo Phật tại địa phương vốn là dân nhập cư từ các vùng miền xa xôi về đây làm ăn sinh sống. Lúc bấy giờ dân cư ở đây còn thưa thớt, cuộc sống người dân vô cùng khó khăn, nhiều hộ dân gặp cảnh lầm than cơ nhở, được Chùa cho mượn đất cất nhà để có nơi che mưa nắng, dần dần đất Chùa bị thu hẹp chỉ còn 4.000m². Ban đầu Chùa Thiên Chơn có diện tích 136m² (9.4m x 14.4m) bằng vật liệu bán kiên cố.
Dấu ấn người trùng tu, tôn tạo Thiên Chơn Tự
Trải qua thời dài, do Chùa nằm trên địa bàn thế trũng thấp, chịu ảnh hưởng của mưa bão, thời tiết khắc nghiệt và tác động của bom đạn thời chiến tranh đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đến năm 2000, được sự chấp thuận của các cấp chính quyền và sự hỗ trợ của BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai cùng sự trợ duyên của Ni sư Thích nữ Huệ Hương, Phó BTS kiêm Trưởng Phân ban Ni giới tỉnh Đồng Nai và sự ủng hộ của Phật tử gần xa, Ni sư trụ trì chùa Thiên Chơn đã đứng ra đại trùng tu trên nền Chùa cũ, mặt tiền hướng ra quốc lộ 20 với kiến trúc uy nghiêm bề thế như hiện nay.
Ni sư Thích nữ Như Liên, thế danh Nguyễn Thị Hoa, sanh năm 1930 tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Năm 1965 thọ Tam quy – Ngũ giới với cố Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh (tức Sư cụ Giác Ngộ) – viện chủ chùa Long Quang (huyện Hóc Môn, TP.HCM), được Hòa thượng đặt pháp danh Hồng Hòa, tự Diệu Liên.
Từ năm 1965 đến 1972, Phật tử Diệu Liên là thành viên Ban Hộ pháp của GHPG Lục Hòa Tăng Việt Nam và Lục Hòa Phật tử (GHPG cổ truyền Việt Nam), tham gia nhiều công tác Phật sự và ủng hộ rất nhiều tịnh tài tịnh vật cho các trường hạ tại miền Đông Nam bộ. Đồng thời, Phật tử Diệu Liên còn cùng với thân mẫu tham gia các hoạt động từ thiện xã hội trong Đoàn Quan Âm cứu khổ thuộc Đạo tràng Bát Quan trai thuộc tổ đình Linh Sơn Cầu Muối (Q.1, TP.HCM). Cũng trong thời gian này gia đình Phật tử Diệu Liên còn phát tâm xây dựng tượng đài Bồ-tát Quan Âm tại Hòn Nghệ – đảo Bạch Long Vĩ (tỉnh Kiên Giang).
Trải qua nhiều năm tháng hộ trì Tam bảo, thấu hiểu được lẽ vô thường của kiếp nhân sinh, năm 1973 Phật tử Diệu Liên phát tâm xuất gia tu học với Hòa thượng Thích Minh Nhật và được đặt pháp danh Như Liên. Năm 1980 thọ Tỳ-kheo tại Đại giới đàn tổ đình Linh Sơn Cầu Muối. Từ năm 1982 đến năm 1988, Ni sư về Biên Hòa cầu y chỉ với Hòa thượng Thích Huệ Thành, Phó Pháp chủ GHPGVN, viện chủ tổ đình Long Thiền và lần lượt được BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai bổ nhiệm trụ trì Hồng Liên tịnh thất rồi chùa Thiên Chơn hiện nay.
Từ năm 1992 – 1997 và các nhiệm kỳ tiếp theo, Ni sư được thỉnh cử vào UV BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai kiêm Phó BTS GHPGVN huyện Định Quán, nguyên Chánh Đại diện Phật giáo thị trấn Định Quán. Từ khi được bổ xứ trụ trì chùa Thiên Chơn, với tâm nguyện hết lòng hoằng pháp lợi sanh, tiếp Ni độ chúng, Ni sư luôn coi trọng sứ mệnh kế thừa tu bổ, xây dựng, tôn tạo các công trình và kiến tạo cảnh quan chùa mỗi ngày một mỹ quan hơn để xứng tầm là ngôi đại Già lam từng gắn liền với quần thể đá Ba Chồng là Di tích Thắng cảnh cấp Quốc gia.
Cụ thể năm 1990 tu sửa hậu liêu, năm 1991 thỉnh thủ Phật lên đài đá, năm 1993 xây miếu bà Linh Sơn Thánh Mẫu, Đài Quan Âm trước chùa, xây nhà trù và dời cửa chùa vào 11m. Năm 1994 xây bảo cái Bổn Sư và đài Quan Âm ở sau chùa, năm 1995 xây bờ tường xung quanh chùa dài 160m. Năm 2000, đại trùng tu chùa, năm 2001 xây đài Di Lặc và xây lại đài Quan Âm trước chùa…
Công việc trùng tu kiến tạo được thực hiện qua từng thời gian, qua từng giai đoạn đều được Ni sư trụ trì với sự hỗ trợ của Ban Hộ tự và Phật tử gần xa nên tất cả đều thành tựu viên mãn. Đặc biệt, từ năm 2002 đến 2004, BTS Phật giáo tỉnh Đồng Nai đã 2 lần chọn chùa Thiên Chơn là điểm An cư kiết hạ cho Ni chúng thuộc 19 chùa và 7 tịnh thất trong huyện.
Với hạnh nguyện tất cả vì “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp“, trong cuộc đời tu hành và hoằng hóa, những gì cần làm Ni sư đã làm xong, vào tháng 10-2007, thuận thế vô thường, Ni sư an nhiên thị tịch. Người kế nghiệp trụ trì là Sư cô Thích nữ Như Huệ. Như vậy, tính từ khi khai sơn đến nay, chùa Thiên Chơn đã trải qua 5 đời trụ trì.
Sư cô Thích nữ Như Huệ hiện là UV Tài chánh của BTS GHPGVN huyện Định Quán; tiếp nối truyền thống chư thầy tổ, ngoài sứ mệnh kế nghiệp truyền thừa hoằng truyền đạo pháp, giữ gìn và kiến tạo ngôi Già lam ngày một hưng thịnh hơn, Sư cô trụ trì còn tiếp nối tâm nguyện của cố Ni sư Như Liên – tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội, cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt, giúp đỡ người tàn tật, và các em học sinh nghèo hiếu học, đóng góp xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa và trong các dịp lễ lớn đều có tổ chức phát quà cho người nghèo tại địa phương…
Hệ phái: Bắc tông
Số điện thoại: 0251 3851 866
Năm thành lập: 1952
Các đợt trùng tu: 3 đợt (1963, 1993, 2000)
Người sáng lập: Cố HT. Thượng Giác Hạ Quang
Trụ trì đương nhiệm: Thích Nữ Như Huệ
Địa chỉ: Cây số 113, QL. 20 Ấp Hiệp Nhất, Thị Trấn Định Quán, Huyện Định Quán, Tỉnh Đồng Nai