“Niềm tự hào của người con Phật tại địa phương”
Từ ngã ba Dầu Giây theo quốc lộ 20 đi về hướng Đà Lạt. Đến chợ cây xăng xã Phú Túc là đến chùa Nam Sơn. Chùa nằm cạnh quốc lộ 20 (cách quốc lộ 50m). Từ xa du khách đã nhìn thấy mái Chùa với các tầng mái uốn cong và ngọn cổ lầu nhô cao in rõ trên nền trời xanh rực rỡ uy nghiêm, bề thế.
Chùa Nam Sơn do Hòa thượng Thích Thanh Bối khai sơn năm 1952. Từ năm 1950 vùng Phú Túc (xưa gọi là Túc Trưng) dân cư thưa thớt, làng Túc Trưng lúc bấy giờ chia thành hai khu vực. Một khu vực nằm phía Bắc quốc lộ, đa số là thành phần phu cạo mũ cho đồn điền Pháp, một khu vực nằm phía Nam quốc lộ là thành phần làm nông.
Làng Túc Trưng quy tụ nhiều sắc dân các nơi về làm ăn sinh sống như người Việt, người Rađê, Châu Ro, Tày, Mường, đời sống người dân nơi đây lúc bấy giờ rất cơ cực. Do tha phương cầu thực một số người dân di cư từ miền Bắc vào mang theo tín ngưỡng của làng quê, ước mơ có một nơi thờ phượng để nương tựa về mặt tâm linh. Lúc ấy có bà Xếp Lượng phát tâm mua một mãnh đất và lập lên ngôi đền nhỏ bằng tre là để thờ các Thánh, các Mẫu theo tín ngưỡng dân gian.
Năm 1952 nhân duyên trên đường du hóa, Hòa thượng Thích Thanh Bối được bà Xếp Lượng mời về thăm đền và phát tâm giao đất và ngôi đền lại cho Hòa thượng để Hòa thượng trông coi hương khói và toàn quyền sử dụng. Cũng trong năm này, Hòa thượng sửa sang lại đền, chuyển qua thờ Phật và hướng dẫn cách lễ lạy theo nghi thức Phật giáo và đặt tên là “Chùa Nam Sơn”.
Từ năm 1952 đến 1964, Chùa được trùng tu bằng vật liệu bán kiên cố. Cũng trong năm 1964 do nhu cầu Phật sự Hòa thượng được Giáo hội điều chuyển đi nơi khác và Phật tử trong Chùa thỉnh Thượng tọa Thích Minh Trí về trụ trì. Thượng tọa Minh Trí quê quán tại tỉnh Bình Định, Thầy về trụ trì chùa Nam Sơn được 11 năm. Năm 1975, Thầy có việc phải trở về quê giao lại Chùa cho Phật tử trông coi.
Từ năm 1975 đến năm 1978, Chùa không có trụ trì. Hằng năm mọi việc Phật sự trong Chùa đều do bà Xếp Lượng và Ban Hộ tự quán xuyến. Cũng trong thời gian này có Sư cô Đoan về phụ giúp, sư cô Đoan tâm hạnh hiền lành. Ngoài việc hôm sớm hương khói kinh kệ trong Chùa, Sư cô còn phát tâm giúp đỡ chữa bệnh cho rất nhiều người.
Vào đầu năm 1990 khi hay tin Hòa thượng Thanh Bối đang trụ trì ở chùa Hải Đức TP. Hồ Chí Minh. Ban hộ tự và Phật tử chùa Nam Sơn về chùa Hải Đức thăm Hòa thượng và sau khi nghe nguyện vọng của bà con Phật tử. Hòa thượng hoan hỷ hứa khả và tức tốc về chùa Vĩnh Nghiêm xin Hòa thượng Thích Thanh Kiểm cho Sư cụ Thích Nhật Quang về trông coi chùa Nam Sơn.
Năm 1993, Sư cụ Thích Nhật Quang về trông coi Chùa đến 1995 được Giáo hội công nhận chính thức. Từ năm 1995 đến 2007, Hòa thượng từng bước trùng tu lại nhà Tăng và một số công trình phụ khác. Và cũng trong năm 2007 do tuổi cao sức yếu và theo thỉnh cầu của Phật tử, nên Sư cụ về chùa Trúc Lâm thuộc xã Phú Cường xin Thượng tọa Thích Quãng Trí cho Đại đức Thích Nhuận Đức hiện đang công tác tại Trường Cao Trung Phật Học Đại Tòng Lâm về phụ giúp công việc Phật sự tại chùa Nam Sơn và được Hòa thượng Quãng Trí hứa khả, đồng thời sau đó đã được Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai và Chính quyền chấp thuận.
Từ khi có Thầy Nhuận Đức về phụ giúp công việc. Với hoài bảo muốn trùng tu ngôi bảo tự cho thật khang trang bề thế, để có nơi cho Phật tử lễ bái tu tập được trang nghiêm hơn, đây cũng là tâm nguyện của Sư cụ Hòa thượng Thích Nhật Quang trong suốt nhiều năm qua và sự tận tâm tận lực của Thầy Nhuận Đức. Hòa thượng Trụ trì đã quyết định khởi công đại trùng kiến ngôi bảo tự Nam Sơn vào ngày 19/2 năm Mậu Tý (2008).
Chùa được đại trùng tu lại toàn bộ gồm chánh điện, nhà tổ, nhà Tăng, trai đường, giảng đường, Tăng xá và các công trình khác. Tất cả đều bằng vật liệu kiên cố. Được xây dựng với quy mô một trệt một lầu.
Tầng trên là chánh điện, tầng dưới là giảng đường và giữa chánh điện là bệ thờ được xây dựng theo kỷ thuật kiến trúc cổ Nam Định, do nghệ nhân Phủ Lý Nam Định chạm trỗ công phu sắc sảo. Cung cách thờ tự theo đời Lý Trần, bệ thờ được phân làm 3 cấp trên là tượng Bổn Sư Thích Ca bằng đồng đúc cao 3m2 nặng 4 tấn, hai bên tượng Thích Ca là tượng Bồ Tát Văn Thù và Bồ Tát Phổ Hiền mỗi tượng nặng 200kg. Cấp giữa thờ 3 tượng Tam Thánh Di Đà, Quan Âm, Thế Chí mỗi tượng cao 1m2 nặng 60kg. Cấp dưới cùng thờ 7 tượng Phật Dược Sư mỗi tượng cao 0m65mỗi tượng nặng 30kg. Tất cả đều bằng đồng đúc. Trên vách chánh điện là sáu bức phù điêu gồm phật cảnh Tây Phương Tịnh Độ và các phật cảnh mô tả Đức Phật từ Đản sanh đến Xuất gia, Thành đạo và Nhập diệt, tất cả được thể hiện Nghệ thuật điêu khắc tuyệt hảo của Nghệ nhân. Đặc biệt dọc theo hành lang chung quanh chánh điện nơi mỗi các khung cửa đều có phù điêu một vị Đại tướng Dược Xoa gồm 12 vị trong kinh Dược Sư đã phát tâm ủng hộ Phật pháp, và làm lợi lạc cho chúng hữu tình.
Kế tiếp chánh điện là phần hậu tổ thờ Đức Đạt Ma Tổ Sư tượng được phù điêu có chiều cao 3m5 đứng trước ngọn Lô Sơn hùng vĩ và dòng sông Chiếc Giang hiền hòa là biểu tượng cho cuộc đời tu hành và hoằng đạo của Ngài. Hai bên bàn thờ Tổ Đạt Ma là 2 tượng phù điêu Tổ Tì Ni Đa Lưu Chi và Tổ Huệ Viễn là 2 vị Thiền sư khai mở dòng Thiền Việt Nam từ thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên. Toàn bộ hình tượng, cảnh trí được khắc họa rất công phu, chân thực và rất sống động, hai bên bàn thờ Tổ là bàn thờ Long Vị của chư Tôn Đức lãnh đạo GHPGVN viên tịch và chư Thầy Tổ Khai Sơn và bàn thờ Chư Linh Phật tử ký tự.
Nối liền phía trái nhà Tổ qua hệ thống hành lang là dảy Tăng xá 2 tầng được xây dựng theo đường lối cách tân được phân ra làm nhiều phòng với đầy đủ tiện nghi. Dọc theo dãy hành lang Tăng xá là dãy phòng dành cho Phật tử lưu trú tu tập, cuối dãy Tăng xá ở tầng trệt là nhà trù và một số công trình phụ khác. Nhìn chung tất cả các công trình trong chùa được thiết kế liền kề rộng rãi rất thông thoáng.
Dù tất bật với công việc xây dựng chùa ngỗn ngang công việc. Nhưng Hòa thượng trụ trì và Đại đức Thích Nhuận Đức vẫn dành nhiều thời gian cho công việc hoằng pháp độ sinh, hằng tháng chùa tổ chức tu Bát quan trai vào ngày mồng 8 âm lịch, và trì Chú Đại Bi vào ngày 15 âm lịch. Riêng chủ nhật hằng tuần đều có chương trình sinh hoạt tu học của GĐPT. Hằng năm trong các Dịp lễ truyền thống như lễ Vu Lan, lễ Phật Đản và tết cổ truyền chùa đều có tổ chức phát quà cho người nghèo, tàn tật, khó khăn cơ nhỡ tại địa phương. Riêng vào dịp tết trung thu hằng năm, chùa đều tổ chức mừng Trung Thu và phát quà cho các cháu nhi đồng.
Nhìn chung với diện mạo chùa Nam Sơn hiện nay. Đó là niềm tự hào của người con Phật tại địa phương. Nhờ chư Phật gia ân và sự tận tâm tận lực hết lòng vì Đạo pháp của Sư cụ Hòa thượng trụ trì và Đại đức Thích Nhuận Đức. Với địa thế nằm trên trục giao thông huyết mạch TP. Hồ Chí Minh và TP. Du Lịch Đà Lạt, chùa Nam Sơn sẽ là điểm du lịch tâm linh lý tưởng, không bởi sự trang nghiêm bề thế của ngôi Phạm Vũ, mà còn là nơi dừng chân của những người con phương xa trở về tìm sự bình yên trong cảnh trí trang nghiêm thanh tịnh giải thoát.
Hệ phái: Bắc Tông
Điện thoại: 0251 3639 653
Năm thành lập: 1950 (1972, 2008)
Các đời trụ trì: 3 đời
Các đợt trùng tu: 2 đợt
Người sáng lập: HT. Thích Thanh Bối
Trụ trì đương nhiệm: HT. Thích Nhật Quang
Địa chỉ: Ấp Cây Xăng, Xã Phú Túc, Huyện Định Quán, Tỉnh Đồng Nai